Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

THÔNG BÁO KẾT QUẢ TRẢ LỜI HÌNH ẢNH CUỐI TUẦN

Có rất nhiều thư gửi về trả lời về hình ảnh nhưng hầu hết không đúng và không rõ về tên địa điểm vị trí chụp tấm hình này. Kết quả đến thời điểm này chưa có ai trả lời đúng.

Đây là hình ảnh sưu tầm trên Internet nên không cần xin bản quyền để đăng lên blog này, hình ảnh được chụp tại mũi né, đây là thành viên của Du lịch 23k3. Sau bao nhiêu năm tháng bạn vẫn còn xinh đẹp như ngày nào, đã sản xuất thêm được 02 thành viên. 
CHÚC BẠN HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG.

TM. DULICH23K3

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

DẤU VẾT CHỮ KHẮC CỔ NHẤT TẠI ĐÀ NẴNG

Đó là các chữ khắc trên hai tấm bia được tìm thấy ở Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Tấm bia đầu tiên được một người Pháp, ông Rougier, phát hiện vào đầu thế kỷ 20 và được Edouard Huber công bố với tên gọi “Bia Hóa Quê” trong bài “Nghiên cứu Đông Dương” trên tạp chí của Viện Viễn Đông Cổ Pháp, số 11, năm 1911, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc Gia Việt Nam.
Tấm bia thứ hai được phát hiện vào thập niên 80 thế kỷ XX. Một người dân đào móng làm nhà đã tìm thấy và báo cho Bảo tàng Đà Nẵng chuyển hiện vật này về bảo tàng. Tấm bia này đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và đã được Arlo Griffiths và Amandine Lepoutre dịch ra tiếng Anh, công bố trong tập “Văn khắc Chămpa tại Bảo  tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”, cùng với bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thanh Xuân, xuất bản năm 2012 (sau đây gọi tắt là “Bia Khuê Trung”).
Bia Hóa Quê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội (ảnh trái) và Bia Khuê Trung, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bia Hóa Quê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội (ảnh trái) và Bia Khuê Trung, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Khuê Trung ngày nay là một phần của Hóa Quê xưa. Hóa Quê là một cách đọc của người Quảng Nam đối với chữ Hóa Khuê, vốn là tên gọi vùng đất bao trùm từ khu vực sân bay Đà Nẵng cho đến núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) ngày nay. Tên gọi Hóa Khuê xuất hiện từ thế kỷ 17 trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, là tên một trong số 64 xã của huyện Điện Bàn lúc bấy giờ. Trải qua mấy thế kỷ thay đổi tên gọi và địa giới, dấu vết của tên gọi Hóa Khuê còn lưu lại ở một số địa danh ngày nay như Khuê Đông (Vùng Đông của Hóa Khuê), Khuê Trung (Vùng Trung của Hóa Khuê).
Bia Hóa Quê có kích thước 124 cm x 70cm x 33 cm, được khắc trên 4 mặt. Mặt A 17 dòng, chữ Phạn, có nội dung tôn vinh thần Siva thông qua biểu tượng linga; mặt B, 19 dòng, chữ Phạn, ngợi ca vua Jayasimhavarman và vua Bhadravarman cùng các vị đại thần; mặt C, 17 dòng, chữ Phạn, ghi niên đại dựng các tượng thờ; mặt D, 19 dòng, chữ Chăm cổ với một câu  bằng chữ Phạn, nói đến việc gìn giữ tấm bia.
Bia Khuê Trung kích thước 75 cm x 45 cm x 35 cm, có chữ khắc trên 4 mặt, nhưng nhiều chỗ đã mòn, nhất là ở phần giáp mối các mặt bia đều bị sứt vỡ khiến cho việc tái hiện bố cục văn bia gặp khó khăn. Phần đầu của bi ký được viết bằng tiếng Phạn, ngợi ca thần Maharudra, một hóa thân của thần Siva, và vua Jayasimhavarman, ghi lại việc thiết lập một công trình vinh danh vị thần. Phần hai của bi ký được viết bằng Chăm cổ (có xen rải rác một số cụm từ tiếng Phạn), bao gồm danh sách đất đai dâng tặng cho một tu viện.
Bia Hóa Quê được dựng sớm nhất là vào năm 909 hoặc 910, trong thời kỳ của vua Bhadravarman, được tôn vinh trong văn bia: “Đấng quân vương Bhadravarman, một mặt trăng không chút tì vết trên bầu trời, thuộc dòng họ Bhrgu xuất chúng, là bản tâm của chúng sinh, đã đánh thức những đóa sen bằng những tia sáng huy hoàng của Người”. Bia Khuê Trung có ghi ngày dựng bia được tính ra dương lịch là ngày 19 hoặc 20 tháng 2 năm 899, dưới thời của vua Jayasimhavarman: “…trong khi ngài đang cai quản mặt đất một cách tốt đẹp, lấp đầy mong ước của những người trí huệ khát khao công tích… (người mà danh xưng) bắt đầu bằng Jayasimha và chấm dứt bằng varman.”
Hai văn bia này nằm trong giai đoạn xuất hiện một vương triều mới  của Chămpa được nêu trong tấm bia dựng ở Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) ngày 13 tháng 5 năm 875, với vị vua có tên là Indravarman. Những người dựng Bia Hóa Quê đều có quan hệ bà con gần gũi với dòng dõi vua Indravarman. Những dòng ở mặt C văn bia Hóa Quê nói đến những người con đã dựng hình tượng của cha mình, có tên là Ajna Sarthavaha, “là anh của hoàng hậu vua Indravarman, cháu gái của vua Rudravarman….”. Trong khoảng 30 năm từ năm 890 đến năm 920, ngoài hai tấm bia Hóa Quê và Khuê Trung, có khá nhiều văn bia đã được tìm thấy ở các tỉnh bắc miền Trung, từ Quảng Nam đến Quảng Bình. Nội dung các văn bia này cho thấy một tầng lớp quý tộc có vai trò lớn trong xã  hội đương thời. Tầng lớp quý tộc Chămpa giai đoạn này được miêu tả là những người có nhiều kiến thức và tài năng, đặc biệt là họ tham gia vào các hoạt động đối ngoại với các nước lân bang lúc bấy giờ.
Hai văn bia được tìm thấy tại Khuê Trung cùng với dấu tích giếng cổ, tượng thờ chứng tỏ đây là một khu vực khá phát triển về mặt xã hội. Vị đại thần ở Hóa Quê có tên ghi trong văn bia là Ajna Narendra Nrpavitra “thông thạo tất cả các nghi lễ và mọi kinh sách tôn giáo Siva”. Em trai của vị này, có tên là Ajna Jayendrapati, “trí tuệ mẫn tiệp, có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt ”. Và ắt hẳn vị trí Hóa Quê đã từng là một thị tứ, một địa điểm “lễ tân” tại cửa ngõ giao thương, tiếp đón các nước đến với Chămpa qua cửa biển Đà Nẵng và cửa Đại Chiêm, vốn là hai cửa biển được nối thông bằng sông Cổ Cò, tiếp giáp với Hóa Quê. Đây cũng là đầu đường sông dẫn đến vùng đồng bằng và trung du, kể cả có đường sông đến vùng Thanh Chiêm, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, là những trung tâm kinh đô và tôn giáo của vương quốc Chămpa.
Trong các văn bia Chămpa thường xuất hiện nhiều điển tích, ý tưởng có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ. Đặc biệt trong văn bia Hóa Quê ta thấy đầy đủ câu chuyện về Linga của thần Siva giống hoàn toàn với nội dung của bản kinh Lingapurana của Ấn Độ.  Điều này chứng tỏ văn hóa Ấn Độ đã thâm nhập khá sâu rộng ở Chămpa thời kỳ này. Trong văn bia Khuê Trung, có nói đến việc lập một vihara (tu viện) tại khu vực này. Tu viện được miễn thuế và nhằm khuyến khích dharma (giáo luật). Chi tiết này gợi cho chúng ta ý tưởng rằng khu vực này không chỉ là khu đền tháp thờ tự mà còn là một trung tâm giáo dục tín ngưỡng đương thời, là nơi tu tập của tăng lữ và được sự bảo trợ của vua Chămpa.
Các thông tin về đồ trang sức và các món quà quý giá do vua Chăm tặng cho các quý tộc nhắc đến trong văn bia Hóa Quê phản ánh thị hiếu thẩm mỹ, những tiêu chuẩn về ăn mặc, phương tiện đi lại được đánh giá cao trong xã hội Chămpa lúc bấy giờ: “Vòng hoa vinh dự được đặt lên đầu, dấu tilaka tuyệt vời được tô trên trán, một bộ hoa tai tốt nhất, một cặp áo dài có với những đường chỉ vàng trang trí, một cây kiếm có chuôi nạm vàng, một lọ hoa và một ciranda trắng như bạc, một chiếc dù làm bằng lông công và vô số bình, lọ và một chiếc kiệu có cán bằng bạc. Tất cả những vật đó khó ai trên thế gian có được, đã được đức vua trao tặng cho Người vì sự trung thành đối với các mệnh lệnh của hoàng gia. Người ngồi cạnh đức vua trong chiếc kiệu, dưới chiếc lọng làm bằng lông công, hộ tống bởi đội quân nhạc, bước xuống một cách kiêu hãnh. Cỡi trên lưng voi, bao bọc bởi muôn ngàn binh lính, Người tỏa sáng uy nghiêm lộng lẫy như tia nắng mặt trời dưới chiếc dù làm bằng những chiếc lông chim công”.
Có thể nói hai văn bia Hóa Quê và Khuê Trung là những hiện vật hết sức giá trị về mặt khảo cổ học, là những minh chứng trực quan về lịch sử và văn hóa Chămpa tại vùng Đà Nẵng. Hai tấm bia quý hiếm này góp phần làm cho bức tranh về di sản văn hóa Chămpa tại Đà Nẵng càng rõ nét bên cạnh những dấu vết kiến trúc, điêu khắc và sinh hoạt xã hội khác.
Võ Văn Thắng
Nguồn: baodanang.vn

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

NGƯỜI NAM CHÂM

Lâu nay chúng ta vẫn thường thấy các màn biểu diễn hút kim loại (muỗng, nĩa…) của các “kỳ nhân” nước ngoài, ít ai biết rằng ở Việt Nam cũng có người đầy khả năng kỳ diệu như vậy và còn hơn thế nữa. 
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 1: Ông đồ tí hon quên chữ 
Kỷ lục gia hiện đang được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận Người có khả năng hút đá tảng nặng nhất là anh Nguyễn Xuân Ngoạn ở địa chỉ 102 Bình Giã (TP.Vũng Tàu) với thành tích “hút” được tảng đá hoa cương nặng đến 85 kg (lập ngày 22.10.2011). Cơ thể của anh Ngoạn không chỉ hút được đá mà còn hút được các vật kim loại, thủy tinh, gỗ… Anh còn có khả năng đi chân trần trên than hồng, đi trên mảnh vỡ thủy tinh.
Khám phá năng lực kỳ lạ
Tiếp xúc với chúng tôi, chàng trai sinh năm 1980 này thẳng thắn bày tỏ: “Tất cả những khả năng tôi có đều do tập luyện cảm xạ học. Tôi tập luyện để nâng cao sức khỏe là chính, thỉnh thoảng biểu diễn cho vui thôi nên rất ngại lên báo. Hơn nữa thời gian này, vợ mới sinh nên bận rộn lắm”.
 Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 2: Người nam châm
Kỷ lục gia Nguyễn Xuân Ngoạn hút tảng đá nặng 85 kg - Ảnh: NV cung cấp
Nguyễn Xuân Ngoạn sinh ở thôn Đồng Quan, xã Quang Trung, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Năm 2002, anh từ giã làng quê vào TP.HCM lập nghiệp và trở thành kỹ thuật viên của Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist, được phân về chi nhánh Vũng Tàu. Năm 2009, Trung tâm văn hóa (TTVH) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở lớp “Năng lượng cảm xạ học”, được nhiều người ghi danh theo học. Thấy môn học có nhiều điều hay, lạ, thế là Ngoạn cũng tham gia. Đó là bước đầu tiên để Ngoạn dần dần tiếp cận phương thức khám phá những khả năng kỳ diệu của con người ngay chính trên thân thể mình.
Một lần đi dã ngoại ở mũi Kê Gà (Bình Thuận), chứng kiến những anh em “cảm xạ học” TP.HCM biểu diễn kỹ thuật hút muỗng, nĩa rất ấn tượng. Về nhà Ngoạn cũng bắt chước lấy muỗng, bàn ủi (bàn là) bày ra rồi vận công, nâng khí như các đồng môn từng làm. Kỳ lạ thay, tuy những vật lớn, nặng không mấy tác động nhưng những vật dụng nhỏ bằng kim loại (muỗng, nĩa) đã dính chặt vào người anh như bị sức hút của một thỏi nam châm.
 

Hiện nay, vì bận rộn với công việc kỹ thuật viên, lại phải chăm sóc vợ con (mới sinh) nên Ngoạn không còn nhiều thời gian để luyện tập, thỉnh thoảng anh chỉ tham gia biểu diễn nhằm quảng bá bộ môn cảm xạ học, bởi nhiều người còn nhầm tưởng việc đi trên than hồng, đi trên mảnh chai sắc nhọn là phù phép, bùa ngải… Thực ra, nếu được hướng dẫn một cách bài bản và tự tin, thắng sự sợ hãi thì ai cũng có thể làm được, thậm chí than hồng còn giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, có người khỏi bệnh nấm chân, chai gót, ra mồ hôi tay, hết được chứng lạnh sống lưng… Cảm xạ học còn giúp người luyện tập cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.

Phấn khởi với thành công bước đầu, Nguyễn Xuân Ngoạn càng quyết tâm luyện tập. Ngoài những giờ học ở TTVH tỉnh, anh còn tìm kiếm thêm tài liệu, sách báo, nhất là cuốn sách “gối đầu giường”: Hướng dẫn thực hành môn cảm xạ, trình độ A-B-C của bác sĩ Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cảm xạ học Việt Nam - Trưởng bộ môn cảm xạ học Việt Nam), đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng môn để tiếp cận với các phương thức nhằm khai thác tối đa những khả năng tiềm ẩn của con người ngay trên thân thể của chính mình. Theo thời gian, trọng lượng của các vật mà Ngoạn hút được cứ tăng dần lên, thân thể của anh không chỉ hút được các vật bằng kim loại mà còn hút được cả gỗ, đá…
Hút tảng đá 85 kg
Ngày 28.2.2011, tại lễ khai giảng lớp năng lượng cảm xạ học khóa 6 do TTVH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức, Nguyễn Xuân Ngoạn đã biểu diễn khả năng hút đá tảng và anh đã hút thành công tảng đá hoa cương nặng 51 kg. Với thành tích này, Ngoạn trở thành người hút được đá tảng nặng nhất trong các thành viên cảm xạ học trên cả nước. Từ đó biệt danh Người nam châm đã được mọi người đặt cho chàng trai Nguyễn Xuân Ngoạn.
Không dừng lại ở đó, chỉ 4 tháng sau (ngày 12.6.2011) trước đông đảo khán giả tại TTVH Bà Rịa-Vũng Tàu, Ngoạn đã hút thành công tảng đá nặng 68 kg. Luyện tập miệt mài còn hơn lực sĩ cử tạ, đến ngày 22.10 cùng năm đó, anh lại hút được phiến đá có sức nặng còn hơn cả trọng lượng cơ thể mình: 85 kg! Và với thành tích trên, Ngoạn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Người có khả năng hút đá tảng nặng nhất.
Nguyễn Xuân Ngoạn cho biết: “Không phải ai luyện tập cảm xạ học cũng có khả năng hút dính đồ vật, điều đó còn tùy vào năng lượng, cơ địa của mỗi người. Riêng về hút đá, hiện nay tôi mới chỉ hút được những tấm đá có mặt phẳng chứ chưa hút được đá tự nhiên có dạng lồi lõm, gồ ghề. Nhiều người lầm tưởng là khi hút đá thì toàn bộ phần ngực và bụng của người vận công sẽ tiếp xúc bề mặt của đá, kỳ thực chỉ có vài điểm nhất định trên cơ thể là hút chặt lấy bề mặt phiến đá mà thôi. Khi hút đá, người thực hiện phải nắm vững mọi kỹ năng và làm chủ năng lượng của mình. Nếu sai sót có thể sẽ bị gãy cột sống. Khi hút, cơ thể nóng bừng lên, đặc biệt là vùng cột sống. Sau khi hút, những điểm tiếp xúc với vật bị đỏ ửng, phải mất vài phút sau mới trở về trạng thái ban đầu”.
Hà Đình Nguyên
Nguồn: Thanhnien.com.vn


Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

BỨC TƯỢNG PHẬT KHIẾN NHIỀU NGƯỜI PHẢI "ĐỎ MẶT"

 
Hình ảnh cô gái khỏa thân trong bức tượng Phật “nhạy cảm” đã gây nên những cuộc tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng mạng VN. Nghi vấn về nhân vật này đã có câu trả lời.
 
“Cô gái” đó chính là Shakti – tên tiếng Phạn của một lực lượng siêu nhiên đại diện cho năng lượng vũ trụ sơ khai, khởi nguồn của sáng tạo, sự sinh sản và mang bản chất nữ tính.
 
Shakti có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, đôi khi còn được hiểu như “Mẹ thiên chúa vĩ đại” trong thế giới quan của Ấn Độ giáo.
 
Thuật ngữ Shakti được du nhập vào Phật giáo Mật Tông sau khi tông phái này ra đời.
 
Nepal và Tây Tạng, những vùng đất nằm trên dãy Himalaya là nơi Mật Tông phổ biến nhất. Tại đây, hình tượng Shakti ôm Phật được gọi là Hoan Lạc Phật.
 
Trong Ấn Độ giáo cũng có một hình ảnh tương tự Hoan Lạc Phật, đó là thần Shiva - tượng trưng cho sự hủy diệt - kết hợp với Shakti - sự sáng tạo (như trong ảnh).
 
Khi được đưa vào Phật giáo, Shakti không còn mang ý nghĩa nguyên bản là sự sáng tạo và sinh sản. Thay vào đó, Shakti trở thành biểu tượng của trí tuệ.
 
Sự “âu yếm”, “ôm ấp” giữa Đức Phật và Shakti chính là sự kết hợp viên mãn giữa thể xác và trí tuệ, trong đó thể xác tìm kiếm sự giải thoát thông qua trí tuệ.
 
Sự “hoan lạc” trong Hoan Lạc Phật là sự hoan lạc của một con người đã khai mở trí tuệ chứ không phải sự hoan lạc dục tính giữa nam và nữ.
 
Có thể ví von, nếu thành tựu cao nhất trong mối quan hệ nam nữ phàm tục là “lên đỉnh”, thì thành tựu của mối quan hệ giữa Đức Phật và Shakti chính là cõi Niết Bàn.
 
Bên cạnh cách giải thích như trên, còn có nhiều quan niệm khác về ý nghĩa của hình tượng Hoan Lạc Phật.
 
Một quan điểm cho rằng người phụ nữ không mảnh vải che thân với những động tác gợi tình tượng trưng cho sự quyến rũ trần tục.
 
Trong khi đó sự bình thản của Đức Phật là minh chứng cho cái tâm đã được giải thoát khỏi bụi trần.
 
Chính sự giải thoát này là niềm hoan lạc vĩ đại nhất mà một con người có thể đạt được trong kiếp sống của mình.
 
Một thuyết khác coi người phụ nữ khỏa thân là tượng trưng cho tín đồ dị giáo. Thái độ của người phụ nữ này chính là biểu hiện sự hàng phục giáo lý nhà Phật.
 
Trở lại với bức tượng “gái khỏa thân ôm Phật” làm xôn xao dân mạng Việt Nam. Dù không thể xác định bức ảnh được chụp ở đâu, nhưng chắc chắn những bức tượng như vậy có thể được tìm thấy dễ dàng tại Tây Tạng, Nepal và một số vùng khác ở Nam Á, nơi có Phật giáo Mật Tông.
 
Việc dư luận Việt Nam đưa ra những suy diễn “không lành mạnh” về bức tượng Hoan Lạc Phật mà không tìm hiểu về ý nghĩa cao quý của bức tượng này thực sự là một điều đáng tiếc.
Nguồn : Theo Kiến Thức

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

VIDEO PHỎNG VẤN THẦN ĐỒNG ĐỖ NHẬT NAM HỌC TIẾNG ANH

THẬT ĐÁNG KHÂM PHỤC VỚI NỖ LỰC VÀ SỰ ĐAM MÊ HỌC TẬP ĐÃ ĐEM LẠI THÀNH CÔNG CHO CẬU BÉ 11 TUỔI NHƯ NGÀY HÔM NAY
CÁC BẠN XEM VIDEO DƯỚI ĐÂY
 



Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

CUỘC SỐNG ẨN DẬT CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ MÁI TÓC NẶNG 3 KG

Bước vào tuổi 60, người phụ nữ sở hữu mái tóc dài 2m, nặng hơn 3kg có cuộc sống "ẩn dật" bên con cháu dưới mái nhà lá rách nát, nằm sâu trong vùng bưng biềng của ấp Bình An (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Sau một cơn bạo bệnh năm 2000, bà Lê Thị Rép không còn cắt tóc được nữa, mỗi lần cắt lại một lần đau ốm, tóc dài ra thì tự động bết lại thành búi, cứng như đá...

Mái tóc "thần bí"...

Bà Lê Thị Rép thản nhiên ngồi chặt củi dừa trong khi chúng tôi đưa ánh mắt tò mò, dò xét mái tóc kỳ lạ từ gốc đến ngọn. Chiếc nón lá to bản không thể che hết búi tóc cao như một hòn núi nhỏ màu vàng óng ánh. Tay bà Rép ở tuổi 60 đã lốm đốm đồi mồi nhưng vẫn chắc nịch và đều đặn từng nhát dao chẻ đôi từng thanh củi dừa chai cứng. Bà cứ lơ đi từng câu hỏi của chúng tôi về mái tóc kỳ lạ, giọng nhỏ nhẹ phân bua lý do ít khi "khoe" mái tóc dài màu nhiệm: "Tôi không cắt nên nó dài vậy thôi chứ đâu có gì kỳ lạ".

Bà Rép giấu mái tóc dài dưới chiếc nón lá.

Nói vậy, nhưng qua câu chuyện đứt quãng theo từng nhát dao, chúng tôi hiểu để giữ và chăm sóc được mái tóc dài gần 2m, nặng hơn 3kg, bà Rép đã phải dồn hết tâm sức cũng như lòng tin vào sự kỳ diệu của tạo hóa. Từ nhỏ, bà Lê Thị Rép đã thành tâm theo Phật, cũng ăn chay các ngày lễ quan trọng trong tháng, thường xuyên tụng kinh niệm phật. Tuy nhiên, mọi người ít khi thấy bà vào chùa cúng bái, hay lễ phật, chỉ thấy bà loanh quanh ở nhà, lo chuyện đồng áng và nhang khói tổ tiên.

Cuộc sống bà Rép sẽ vẫn cứ trôi đi yên ả nếu như không có một sự lạ khó hiểu xảy ra vào một ngày trong năm 2000. Sau bữa cơm trưa, bỗng nhiên bà thấy đầu đau như búa bổ, uống thuốc, bắt gió, thoa dầu cũng không khỏi, đi gặp bác sỹ cũng không tìm ra được nguyên do. Tuy nhiên, cơn đau đầu bất thường ấy chỉ diễn ra trong khoảng một tuần lễ thì khỏi hẳn. Con cái bà Rép chưa kịp mừng vui khi thấy mẹ không còn bị những cơn đau đầu kỳ quái hành hạ, thì lại lo lắng gấp bội do mái tóc đang đen mượt dần chuyển sang màu xám, rồi màu bạc, cuối cùng một màu vàng ánh kim phủ đầy lên búi tóc dài bết cứng.

Màu sắc tóc thay đổi, sợi tóc biến dạng không thẳng mà xoăn rồi tự kết lại thành lọn và ngày càng thô ráp. Mỗi sợi tóc mọc dài ra bao nhiêu thì sợi này dính vào sợi kia, bết lại thành búi, chặt cứng và dày hơn cả xịt keo. Thời gian đầu, nhìn thấy tóc quái đản, hễ tóc mọc ra, bết lại thành búi, bà Rép lại cắt ngắn đi. Nhưng mỗi lần cắt tóc như vậy, bà Rép lại bị đau đầu, bệnh nặng không thể ăn uống, phải khấn vái và ngồi thiền mới khỏi.

Vậy là, bà đành sống chung với mái tóc dài kỳ quái. Tóc dài ra, bết cứng lại, bà quấn thành nhiều vòng theo bán kính nhỏ dần. Dù không dùng dây hay bất cứ vật liệu nào để cố định, mái tóc vẫn giữ nguyên vị trí và vào nếp, cao dần trông giống như một ngọn núi nhỏ, vững chãi và huyền bí. Đến nay, "ngọn núi" nhỏ bằng tóc của bà Rép đã cao hơn 30cm, khi xõa ra, mái tóc có hình thù giống như một con rồng nhỏ. Phần tóc kết lại thành búi có mùi thơm thoang thoảng, bà Rép cho biết: "Tôi không gội được phần búi tóc, khi nào da đầu ngứa và có cảm giác khó chịu tôi mới gội đầu. Tôi chỉ cho dầu gội lên phần chân tóc và da đầu, thoa đều rồi xả với nước cho thật sạch. Mặc nhiên, tôi không đả động gì đến phần búi tóc, mỗi lần gội lại treo búi tóc lên cây xà ngang".

Khi nghe chúng tôi nhắc đến một số nhân vật kỳ lạ sống ở vùng khác cũng có mái tóc dài kỳ quái như bà, bà lại ngẩng đầu lên tiếp lời: "Tôi cũng có nghe nói về những người có mái tóc dài giống mình nhưng điều kiện gia đình khó khăn nên muốn đến xem thực hư cũng không đi được".

Bức ảnh đầu tiên bà cho người khác chụp khiến các cơn đau đầu đến với mình?.

... và những chuyện ly kỳ hay chỉ là trường hợp trùng hợp  ngẫu nhiên

Ngồi ngoài sân chẻ củi mà bà Rép cũng phải lấy quai nón lá bằng vải che kín vùng mặt chỉ để hở đôi mắt. Hàng xóm bà Rép cho biết: "Khi đi làm đồng hay chẻ củi trước sân, bả Rép đều che kín mít khuôn mặt, bả cũng ít khi đến chỗ đông người, quanh quẩn ở nhà và đồng ruộng. Bả che vậy để không ai nhìn thấy rõ khuôn mặt, bả không thích người ta đồn đại lung tung về mái tóc của mình".

Thế nhưng, bà Rép càng che chắn cẩn thận, người dân càng tò mò và hiếu kỳ hơn. Bà con ấp Bình An khi thấy chúng tôi tìm đến thì thúc giục và dẫn đường đến nhà bà Rép. Mọi người chỉ mong qua báo chí sẽ hiểu được mái tóc kỳ lạ của bà. Nhưng không ngờ, ai nói cỡ nào, năn nỉ hết lời bà cũng không tháo vải che, không cho chúng tôi chụp ảnh. Bà Rép chia sẻ: "Mỗi lần chụp ảnh, tôi đều bị hành đau đầu, không ăn uống gì được. Một lần duy nhất cách đây cũng lâu, tôi cho một người chụp ảnh mái tóc của mình. Sau lần đó, tôi đổ bệnh thập tử nhất sinh khiến mọi người lại có chuyện để bàn ra tán vào. Từ đó, tôi ngại và không tiếp xúc nữa".

Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi câu chuyện bà Rép sống ở ấp Bình An có mái tóc dài được nhiều người biết đến thì cũng là lúc, gia cảnh ngày càng đi xuống, con cái của bà làm ăn thất bại, đứa cháu nội trai cũng đột nhiên bị động kinh nửa tỉnh nửa mê. Năm nay, cậu bé đã 12 tuổi mà gương mặt như mới lên 5, lên 6 tuổi cũng như không biết gì ngoài cười và khóc. Sau sự việc đó, con cái bà cho rằng, chính vì mọi người biết chuyện bà Rép có mái tóc dài nên bị ông bà quở phạt rồi cấm bà không được tiếp xúc và kể về nguồn gốc của mái tóc dài kỳ quái.

Em gái bà Rép, bà Lê Thị Rép Em (56 tuổi, ngụ ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết: "Từ sau khi căn bệnh nhức đầu khiến tóc mọc ra không thể cắt, chị tôi dời nhà vô vườn dừa, ở sâu trong ruộng để ít người tới lui, chứ ngày trước chị ấy sống chung với tôi ở ngôi nhà ngoài lộ lớn. Mấy năm nay, chị Rép ít qua lại thăm viếng người thân, chỉ ở nhà trông nhà và coi chừng thằng cháu bị tâm thần nhẹ, cho mấy đứa con đi làm, rồi đi ruộng làm lúa, trồng hoa màu thôi".

Dù phải nuôi mái tóc dài gần 2m và nặng hơn 3kg, da dẻ, cơ thể của bà Rép vẫn khỏe khoắn. Năm nay, bà Rép vừa tròn 60 tuổi nhưng đi đứng, làm việc còn rất nhanh nhẹn, đầu óc bà còn rất minh mẫn, linh hoạt.

Ngôi nhà bà Rép nằm nép mình dưới mấy tán dừa sai trái, nhà bà lúc nào cũng đóng cửa rào, thói quen lạ lẫm với người dân quê, nơi con người ta hiếu khách hơn bất cứ đâu. Bà Rép chấp nhận sống ẩn mình để tránh điều tiếng không tốt cho con cái. Ở tuổi 60, bà vẫn mang nhiều muộn phiền, vẫn lo, vẫn thương cho con cháu còn quá khó khăn, lại mang thêm bệnh tật. Đã có lúc, bà nghĩ: "Nếu mình nổi tiếng nhờ mái tóc dài này, chắc sẽ kiếm thật nhiều tiền từ những người hiếu kỳ tìm đến đây tham quan thỏa trí tò mò. Nhưng chính cái ý nghĩ "nhà quê" ấy khiến tôi trả giá bằng bao lời đàm tiếu và đồn thổi của người dân xứ Gò Công Tây. Rồi, con cháu khổ lây vì mình đem cái màu nhiệm ra bán cho thiên hạ nhìn ngắm nên bị ông bà trách phạt".

Nay bà Rép chỉ biết tụng kinh niệm phật, sống vui vầy và có ích bên con cháu, để lòng thanh tịnh nghĩ về cái thiện...   


Sống giản dị, không mê tín dị đoan

Ông Lê Văn Quang, trưởng ấp Bình An (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Từ nhỏ, bà Lê Thị Rép là người rất thật thà, chất phác không có chuyện tuyên truyền mê tín dị đoan, sống hòa đồng với thôn xóm. Thế nhưng, bà cũng ít cho ai xem tóc của mình, bà chỉ luẩn quẩn ở nhà, làm ruộng. Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, bà có hai người con trai nhưng anh nào cũng nghèo, nên bà tự lo cho bản thân không để con cái vướng bận".   

Nguồn : nguoiduatin.vn 

Ngọc Lài - Hà Nguyễn